Thầy trò tích cực đồng hành ôn luyện để “vượt vũ môn”

Trong tháng 6/2025, các lớp ôn tập trực tuyến do nhà trường tổ chức miễn phí dành riêng cho học sinh niên khóa 22 - 25 ở các môn: Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh, Vật lý, Lịch sử, Địa, KTPL đã diễn ra sôi nổi. Các lớp học được tổ chức từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần với nhiều ca học trong ngày (90 phút/ca/môn) cho các MCer lựa chọn.

Sự tận tâm của thầy cô

Trong giai đoạn “nước rút”, các giáo viên gửi trước các đề ôn tập bám sát cấu trúc đề thi minh họa của Bộ GD&ĐT cho học sinh thử sức. Sau đó, các thầy cô tiến hành chữa bài và giải đáp thắc mắc. Ở mỗi buổi học “online”, ban chủ nhiệm khối luôn phân công giáo viên hỗ trợ quản lý lớp.

Theo cô Hồng Mai (GV Địa), để tổ chức một buổi dạy trực tuyến, cô cần đặt lịch hẹn trên MS Teams, báo nội dung bài giảng tới học sinh để các bạn có sự chuẩn bị và tương tác tốt nhất. Cô nói: “Mình thường hỏi trước các vấn đề mà các em muốn hiểu kỹ thêm để lên phương án soạn bài. Việc soạn bài khá mất thời gian vì cần tổng hợp và sơ đồ hoá kiến thức để học trò có cái nhìn khái quát. Với môn Địa, phần II - trả lời đúng, sai khá khó; dễ mất điểm. Hay phần kỹ năng nhận dạng biểu đồ, tính toán theo công thức…, mình phải tập hợp từ rất nhiều nguồn đề chính thức của các Sở GD&ĐT trên toàn quốc, đề thi các năm của Bộ GD&ĐT... để tạo thành các chủ đề luyện tập. Mình còn tạo nhóm Zalo để cô trò thuận tiện trao đổi về bài học. Ngoài ra, mình cho các em luyện đề qua Azota để quen với việc thi cử. Các em làm bài tự lực hoàn toàn, nghiêm túc và hết giờ quy định là có thể biết điểm ngay, đánh giá mình nắm được kiến thức ở mức độ nào”. 

Đồng hành với học trò trong khoảng thời gian ấy, cô Mai ấn tượng trước tinh thần cầu thị, ham học của các MCer. Bạn vào học “online” cũng rất “chiến”, tương tác nhiệt tình và chăm chú lắng nghe bài giảng. 

“Điều tuyệt vời nhất là mình thấy bản thân hữu ích cho học trò. Có lần học trò khoe: “Hôm trước, con làm đề luyện đúng câu khó, hỏi bạn thi khối C gần nhà thì bạn ấy cũng “vò đầu, bứt tai”, kêu chịu. Nhưng khi nghe cô giảng, con làm nhẹ tênh, lại thấy dễ, có cảm giác như mình được “nâng level”, thích lắm ạ!”. Nghe học sinh nói vậy, mình đã thấy mừng rỡ!”, cô chia sẻ.

Cô Thùy Dung (GV Toán) cho biết thêm: “Quan trọng nhất trong việc dạy “online” là chuẩn bị nội dung ôn tập. Giáo viên cần biên soạn các đề ôn đúng cấu trúc của Bộ GD&ĐT. Có rất nhiều chuyên đề sẽ xuất hiện trong đề thi (bao gồm kiến thức từ lớp 10 đến lớp 12), cách hỏi cũng rất đa dạng. Vì vậy khi soạn đề, giáo viên cần đảm bảo có thể giúp học sinh rà soát lại toàn bộ kiến thức”.

Trong quá trình dạy trực tuyến, cô Dung thấy các MCer luôn chủ động làm trước đề. Các bạn cũng vào học đầy đủ, đúng giờ và tích cực tương tác với giáo viên. Khi mới bắt đầu dạy “online”, cô khá lo không thể tạo được sự kết nối với học sinh như khi dạy trực tiếp. Tuy nhiên, sau 1 tuần lên lớp, cô nhận ra, nếu chuẩn bị kỹ, tương tác chủ động, động viên, khuyến khích học sinh và đặt nhiều câu hỏi mang tính gợi mở thì việc dạy “online” cũng rất hiệu quả, thậm chí mang lại nhiều cảm xúc. Khi đó, cô trò mới chia tay những tháng ngày gắn bó trên lớp nên giai đoạn ôn tập “online” là cơ hội để mọi người gặp nhau. Cuối mỗi buổi học, cô trò vẫn thường nán lại để hỏi han, trò chuyện. 

Là giáo viên phụ trách ôn tập môn Tiếng Anh, cô Dương Dịu và cô Thanh Trà luôn đặt mình vào vị trí của học sinh để chuẩn bị thật kỹ các nội dung. Ngoài luyện đề nhằm trang bị kỹ năng làm bài, các cô còn khuyến khích học trò đặt nhiều câu hỏi để hệ thống lại kiến thức. Ngoài ra, các cô tận dụng nhiều nền tảng công nghệ để tăng tính hiệu quả trong mỗi giờ học.

Theo cô Phương Nguyên (GV Ngữ văn), khi dạy “online”, cô trò không phải di chuyển đến trường nhưng lại cần chuẩn bị kỹ lưỡng hơn: thiết bị dạy - học, kiểm tra đường truyền... Cô rất vui khi được đồng hành với các “sĩ tử K12” trong giai đoạn quan trọng. Việc các bạn tập trung nghe giảng, nhiệt tình trả lời câu hỏi và bày tỏ những cảm xúc phong phú đã mang lại cho cô nguồn động lực to lớn. 

Dù gắn bó với nhau trong khoảng thời gian không dài nhưng cô trò đã có thật nhiều kỷ niệm đẹp. Cô kể: “Do ghép học sinh nhiều lớp nên mỗi ca “online” có cả những em mà tôi không dạy trước đó ở trường. Có một học sinh rất hay phát biểu. Sau khi nhìn kỹ hình ảnh của em, tôi nhận ra vẫn thường gặp em trong thang máy. Tôi từng rất ấn tượng vì em lễ phép, vui vẻ và thân thiện. Bây giờ, tôi còn biết thêm em học rất tốt. Dù có khoảng cách về không gian nhưng cô trò chúng tôi vẫn cảm thấy rất gần nhau và thời gian học “online” đã viết tiếp nhiều kỷ niệm đẹp cho thời học sinh”.

Lòng quyết tâm của học trò

Dù đã ra trường nhưng Nguyệt Minh (CHS E6) cảm thấy thật hạnh phúc khi tham gia ôn tập “online” ở môn Ngữ văn và Địa lý. Theo cô bạn, các buổi học đều được các cô thiết kế bám sát cấu trúc đề thi, giúp học trò hệ thống kiến thức một cách khoa học.

Nguyệt Minh cho biết: “Ở môn Ngữ văn, cô Hồng Nhung không chỉ giảng tổng quan lý thuyết phần Đọc hiểu mà còn chia sẻ nhiều mẹo hay, giúp chúng mình tránh bị mất điểm khi làm bài. Cô lồng ghép các bài tập thực hành ngay trong buổi học để cả lớp có thể áp dụng kiến thức. Với môn Địa lí, cô Hồng Mai giảng bài rất tỉ mỉ và nhiệt tình. Cô phân tích kiến thức sâu sắc và chuẩn bị “slide” với nhiều hình ảnh minh họa chi tiết, giúp cả lớp hiểu bài nhanh hơn. Cô cũng luôn khuyến khích chúng mình đặt câu hỏi và thường xuyên kiểm tra mức độ hiểu bài của lớp. Các cô đều rất tận tâm, thậm chí còn gửi thêm tài liệu bổ trợ sau mỗi buổi học”.

Cảm xúc đầu tiên của Thái Triệu (CHS I) khi học trực tuyến là vui thích vì được gặp lại bạn bè, thầy cô sau lễ ra trường. Cậu tâm sự: “Các thầy cô vẫn giảng dạy kỹ lưỡng, ân cần và tận tâm như đang chuẩn bị vào phòng thi thật với học trò. Sự đồng hành ấy vừa là “liều thuốc” hỗ trợ tinh thần lớn lao vừa là cơ hội để chúng mình được bồi đắp thêm kỹ năng và bản lĩnh để sẵn sàng đi thi. Trong các môn, mình mê lớp Ngữ văn của cô Phương Nguyên nhất. Cô có cả bầu trời kiến thức sâu rộng và vô cùng thấu hiểu học sinh. Những bài giảng của cô giúp mình hứng thú và nuôi dưỡng tình yêu với văn chương hơn rất nhiều”.

Vừa tốt nghiệp lớp 12, Thảo Linh (CHS E1) không tránh khỏi cảm giác hụt hẫng. Vì thế, việc tham gia các buổi ôn tập “online” đã phần nào giúp cô bạn vơi đi cảm giác ấy. Theo cô bạn, dù không còn ngồi trong lớp học, không còn nghe tiếng trống hay nhìn thấy bảng, phấn nhưng các MCer vẫn dậy sớm, vẫn làm bài, vẫn nghe giảng chăm chú. Các tiết học vẫn vậy, chứ không vì là “ôn luyện thêm” mà giảm chất lượng đi. Tinh thần học tập của lớp vẫn còn nguyên. Khi thầy cô hỏi đến bài nào là có bạn giơ tay phát biểu ngay, các ô camera vẫn hiện lên hình ảnh những gương mặt nghiêm túc nghe giảng. Nhìn thấy các bạn như thế, Linh có thêm niềm tin để cố gắng hơn.

Cô bạn cho biết: “Nếu không có những buổi học “online” thì chắc mình chóng nản lắm! Vì thực sự, “muốn đi nhanh thì đi một mình, muốn đi xa thì đi cùng nhau”. Có thầy cô, bạn bè đồng hành thì dù chỉ qua màn hình, mình vẫn thấy ấm lòng và yên tâm hơn rất nhiều. Mình đã xây dựng lại lịch học một cách tử tế hơn khi thấy mọi người đều rất nỗ lực: tất cả học sinh phấn đấu, tất cả thầy cô lên giáo trình giảng dạy, cả Ban giám hiệu cũng hàng ngày vào kiểm tra tình hình học tập. Điều đó đã tiếp thêm động lực cho mình kiên trì cố gắng không chỉ vì bản thân mà còn vì bố mẹ, bạn bè và thầy cô”. 

Theo Linh, ở môn Ngữ văn do cô Phương Nguyên giảng dạy, thường có những buổi thảo luận sôi nổi giữa cô và trò về chủ đề bài học. Cô Bích Thủy (môn Vật lý) hay gọi học sinh phát biểu để định hướng cách làm bài, từ đó phát triển khả năng suy luận. Cô Thùy Dung (môn Toán) chữa các đề một cách rất cụ thể và rõ ràng. Cô Liên Hương (môn Tiếng Anh) lại chú trọng đến kỹ năng phân tích đề của học sinh và thường xuyên nhắc lại các kiến thức nền tảng.

“Các môn đều có những điều thú vị riêng và mình rất thích các tiết ôn tập Ngữ văn. Mỗi khi nghe mọi người bày tỏ ý kiến của bản thân, mình lại được mở mang về thế giới quan xung quanh. Khác với các buổi học văn truyền thống phải ghi chép nhiều, học “online” cần tính tương tác cao nên hầu như chúng mình phải khai thác nội dung bài bằng việc chia sẻ lời nói. Mình thấy học như vậy thực sự rất thú vị và hiệu quả”, Linh chia sẻ thêm.